Học nhàn mà hiệu quả

Lê Trọng Đại

Hết hàng: Hết hàng

[ThaiHaBooks] “Tại sao mình lại viết quyển sách này nhỉ?”

Tôi tự hỏi như vậy.

Bởi tôi đã có những chương trình huấn luyện, cả online và trực tiếp, để hướng dẫn cho các bạn sinh viên Y Dược cách để học nhàn mà hiệu quả và định hướng ngành nghề trong tương lai. Tôi cũng thường xuyên viết blog, cũng như quay các video chia sẻ trên kênh YouTube Bs. Lê Trọng Đại.

10 năm qua, tôi vẫn miệt mài với đam mê này.

Tại sao tôi lại phải viết chứ?

Bởi viết lách luôn khó hơn diễn thuyết. Bạn cũng thấy có rất nhiều đứng lớp chia sẻ, nhưng không phải ai cũng trở thành tác giả được. Thực sự đây là công việc khó.

Lý do là…

“Ting ting!” Tiếng thông báo có tin nhắn Facebook vang lên. Đó tin nhắn của cô Minh Ngọc –Phó Trưởng phòng công tác học sinh sinh viên, Trường Đại học Y Hà Nội.

“Đại à! Có việc này cô muốn nhờ Đại được không? Tuần sau các bạn sinh viên lưu ban sẽ nhận quyết định. Có gần 50 bạn cơ. Thay vì chỉ nhận quyết định thì mỗi bạn được nhận một cuốn sách của em, cô nghĩ là rất tốt”.

Tôi biết cô Minh Ngọc từ năm thứ hai đại học. Khi nghe cô giảng bài sinh lý học về vận chuyển các chất qua màng tế bào, tâm trí tôi có ý tưởng tại sao không ứng dụng những hiểu biết về vận chuyển ion Kali, Natri qua màng tế bào để điều trị cho các bệnh nhân bị chứng ra mồ hôi tay. Và trong giờ ra chơi, tôi đã trao đổi với cô về ý tưởng đó. Hai cô trò vẫn giữ liên lạc với nhau từ lúc đó. Mỗi lần email cho cô, tôi vẫn đề chữ ký cuối email là “Sinh viên: Lê Trọng Đại - Tổ 01 lớp Y2A”, như lần đầu tiên email cho cô.

Từ năm thứ ba đại học, tôi bắt đầu dạy HUH (How to use your head): Hướng dẫn các bạn sinh viên Y Dược cách để học nhàn mà hiệu quả và đạt điểm số cao. Nên tôi ít liên lạc với cô. Nhưng dường như cô cùng nhà trường vẫn luôn dõi theo tôi.

Có lẽ vậy mà dịp tháng 8 vừa rồi (năm 2019), nhà trường đã mời tôi trở lại trường chia sẻ với các em sinh viên về định hướng chuyên ngành trong tương lai. Hôm đó tôi vinh dự là diễn giả trẻ nhất, và đứng cùng sân khấu với các giáo sư đầu ngành - là những người thầy mà tôi từng ngưỡng mộ khi còn là sinh viên.

Cô biết tôi vẫn miệt mài với HUH và đã giúp được hàng ngàn sinh viên Y Dược cả nước. Nên có lẽ cô tin tôi có thể giúp được các bạn sinh viên lưu ban ấy.

“Dạ vâng ạ” Tôi nhận lời. Vì số lượng lớn nên cô nhận bản điện tử (ebook) của sách Dám khác biệt dám dẫn đầu (do Nhà xuất bản Lao động ấn hành tháng 8/2018), để gửi qua email cho các bạn ấy.

“Em sẽ dành thời gian để viết thêm một quyển nữa, hướng dẫn sâu hơn cách để học nhàn mà hiệu quả và định hướng ngành nghề. Mong là các em sinh viên sẽ không còn chật vật với việc học ở trường Y Dược nữa ạ.”

Tính tôi là vậy, đã nói là làm. Nên tôi bắt tay ngay để viết quyển sách này.

Tôi viết quyển sách này cho ai?

Tôi viết quyển sách này dành cho những bạn trẻ CÓ KHÁT VỌNG vươn lên trong cuộc sống.

  • Những người muốn tự lập không dựa dẫm ai.
  • Những người muốn làm chủ cuộc sống của mình. Sống cuộc đời giàu có và đầy đam mê, cho dù quá khứ họ sinh ra trong một gia đình giàu có hay nghèo khó.

Tôi từng lớn lên trong cảnh nghèo khó, thiếu ăn cùng bố mẹ. Nhưng nhờ có khát vọng về một cuộc sống sung túc no đủ mà giờ đây tôi và bố mẹ có được điều đó. Rồi bạn cũng sẽ vậy!

Ngoài kia không thiếu những quyển sách hướng dẫn về cách học, cách đạt điểm số cao ở trường lớp. Nhưng tất cả những chỉ dẫn đó, giờ đây đều đã lạc hậu, không còn phù hợp nữa. Những lời khuyên kiểu:

  • “Hãy đọc sách trước khi lên lớp” đã từng đúng trong quá khứ, nhưng giờ thì sai.
  • “Hãy ngồi yên, giữ trật tự khi nghe cô giảng” đã từng đúng trong quá khứ, nhưng giờ thì sai. Tôi luôn nhắc học trò HUH (How to use your head) của mình: “Kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21, là kỹ năng HỌC NHANH một kỹ năng mới”.

Bởi mọi thứ xung quanh ta thay đổi từng phút giây. Những kỹ năng ta hí hửng học được hôm qua. Hôm nay robot đã làm tốt hơn rồi. Và chúng ta cần phải học kỹ năng mới nữa, nếu không muốn bị thất nghiệp.

Thành công ở trường lớp, không đảm bảo cho thành công trong cuộc sống!

Tại sao vậy?

Bởi có quá nhiều khác biệt giữa trường lớp và cuộc đời.

Đơn cử, lúc ở trường học, chúng ta được dạy “Hãy TỰ TÌM lời giải đi. Mở tài liệu hay hỏi bài bạn là phạm quy”. Nhưng trong cuộc sống, để thành công chúng ta phải làm ngược lại. Mỗi người chỉ có 24 giờ/ngày, và chỉ sống 60 – 80 năm mà thôi. Xin nhắc lại, chúng ta không sống mãi. Nên không thể tự mình học giỏi – làm giỏi tất cả mọi việc được.

Và thêm nữa, để hoàn thành một công việc, sẽ cần phối hợp của nhiều bộ phận liên quan. Thành công cuối cùng phụ thuộc vào sức mạnh của cả đội nhóm, chứ không phải cứ mình giỏi là được. Vậy nhưng nhà trường lại đang dạy chúng ta cách để “chỉ biết mình”, thay vì dạy chúng ta cách xây dựng một đội nhóm vô địch.

Nhưng vấn đề ở đây thực sự là gì?

Điều gì khiến cho hai người bạn học (cùng một bàn, cùng một lớp, cùng nghe một bài giảng, cùng học một người thầy…) có cuộc sống hoàn toàn ngược nhau? Người thì giàu có. Kẻ thì nghèo khó?

Nguyên nhân thực sự là gì nhỉ?

Tôi nhận ra, hầu hết mọi người đều đang sai lầm trong CÁCH TƯ DUY | CÁCH TIẾP CẬN | CÁCH NHÌN NHẬN một vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Và chính cách nhìn nhận đó đưa họ tới kết quả khác nhau.

Để tôi lấy cho bạn một vài ví dụ.

Một học sinh hào hứng tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp Huyện. Ra khỏi phòng thi cậu chắc mẩm mình sẽ đạt giải cao. Nhưng rồi những ngày chờ đợi trong sung sướng ấy cũng hết. Kết quả thi của cậu thấp nhất trong đám bạn cùng trường đi thi. Và chẳng được giải gì cả.

Theo bạn, phản ứng lúc đó của cậu học sinh này là gì?

Vâng, bạn đúng rồi đó!

Đa số mọi người, khi ở tình huống như vậy, sẽ tự dằn vặt bản thân: “Tại sao lại là mình nhỉ? Mình làm tốt như vậy mà.”

“Tại sao tụi nó được giải, còn mình thì không nhỉ? Ít nhất thì cũng nên cho mình cái giải khuyến khích chứ”.

Bạn đã từng trải qua tình huống tương tự chứ? Lúc đó trong tâm trí bạn có câu hỏi gì?

Ngày nay, tốt nghiệp trường học với bằng giỏi thôi là chưa đủ!

Chúng ta cần tận dụng từng phút giây rảnh rang, không phải học trên giảng đường, để trau dồi cho mình những kỹ năng cần trong công việc và cuộc sống. Như kỹ năng giao tiếp – xây dựng mối quan hệ, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng thuyết phục - thương thuyết - đàm phán, kỹ năng marketing… Có cả tấn thứ phải dùng khi đi làm mà nhà trường không hề dạy. Hoặc dạy mà không dùng được.

Tôi đã từng hỏi giảng viên Khoa báo chí và truyền thông về công thức AIDA. Đây là công thức kinh điển và phổ biến trong lĩnh vực marketing và truyền thông mà các doanh nghiệp vẫn áp dụng. Nhưng anh ấy không hề biết nó. Thì bạn hiểu bạn phải chủ động vươn ra cuộc sống từ lúc còn là sinh viên như thế nào rồi đấy.

Vậy nếu vẫn học theo cách cũ, đọc LẶP ĐI LẶP LẠI, để cố ghi nhớ những chồng sách dày (kiểu bò nhai cỏ), thì bạn lấy đâu ra thời gian để mà học thêm kỹ năng mới đây? Lo học cho xong cái đống giáo trình còn không đủ thời gian nữa là thêm nếm cái gì được.

Cùng đối diện một vấn đề, người chấp nhận - kẻ đi tìm giải pháp

Bước chân vào trường Đại học Y Hà Nội, khóa trước rỉ tai khóa sau “Học Y thì phải vất vả thôi, biết làm sao được”.

Và đúng là vất vả thật! Số lượng sách phải học trong một kỳ ở đại học, bằng cả ba năm cấp ba cộng lại. Nhiều người chấp nhận với điều đó “Học Y thì phải vất vả thôi”. Chính xác là cam chịu với điều đó. Họ bức bách. Họ vào viện tâm thần điều trị vài tháng. Rồi một số quay trở lại học tiếp.

Nhưng tôi thì không! Tôi không cam chịu cái lối mòn tư duy đó.

“Tại sao phải chấp nhận điều đó chứ? Thể nào cũng có cách tốt hơn để học ở trường y.”

Và chính nhờ cách ĐẶT CÂU HỎI KHÁC | TIẾP CẬN VẤN ĐỀ THEO CÁCH KHÁC. Mà sau tròn một năm, tự đem mình làm chuột bạch, thử nghiệm các phương pháp trong những lần thi hết môn. Tôi đã đạt học bổng và quan trọng là không phải vất vả thức khuya dậy sớm như năm thứ nhất (Y1) nữa.

Nếu tôi cũng giữ tư duy chấp nhận, cam chịu giống bạn bè mình thì hàng ngàn học viên của tôi, trong suốt 10 năm qua, có lẽ chật vật lắm trong việc học hành ở trường Y Dược. Và có lẽ không ít người phải vào bệnh viện tâm thần để được các anh chị đi trước kê đơn bốc thuốc. Mà biết đâu, có khi tôi chính là người đến đó. Bởi tôi luôn tạo áp lực tiến bộ mỗi ngày cho bản thân.

Vì vậy, trước khi chuyển sang nội dung chính của quyển sách. Tôi muốn nhăn nhủ bạn rằng “Vấn đề chỉ là vấn đề, nếu bạn cam chịu và chấp nhận nó. Nhưng vấn đề sẽ trở thành cơ hội nếu bạn nhìn nó dưới MỘT GÓC NHÌN KHÁC | ĐẶT MỘT CÂU HỎI KHÁC | DIỄN GIẢI THEO MỘT NGHĨA KHÁC”.

Hãy tưởng tượng, nếu tôi cũng chấp nhận với niềm tin truyền tai nhau “Học Y thì phải vất vả thôi”. Liệu tôi có tìm ra được những phương pháp giúp cho sinh viên Y Dược học nhàn mà hiệu quả không? Và liệu tôi có được sống trọn cùng đam mê (chia sẻ HUH cho sinh viên Y Dược cả nước) như bây giờ không? Chắc chắn là “Không”!

Nào, cùng tôi bước vào thế giới mới - HỌC NHÀN MÀ HIỆU QUẢ - nào!

 

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!

 

Thông tin về cuốn sách:

Tên sách

Học nhàn mà hiệu quả

Tác giả

Bác sĩ Lê Trọng Đại

Giá

89000

Số trang

175

Nhà xuất bản

Lao Động

Khổ

13x20.5

Barcode

8,935,280,905,122

 

Sản phẩm liên quan

Sản phẩm mới nhất