Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ

Leonard Sax

Hết hàng: Hết hàng

[ThaiHaBooks] Trước những biểu hiện tiêu cực trong quá trình phát triển của những đứa trẻ ngày nay, như tình trạng béo phì gia tăng, sự sa đà, lún sâu vào các thiết bị công nghệ (điện thoại, máy tính, TV…), sự thiếu tôn trọng đối với những người xung quanh, đặc biệt là thói quen dựa dẫm, phó thác mọi việc cho người lớn… thì “bộ mặt thật” của những ông bố bà mẹ cũng dần được lộ tẩy, đó là bộ mặt của những người thiếu kiến thức, kém linh hoạt trong việc nuôi dạy con. Nói như Tiến sĩ – Bác sĩ Leonard Sax – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục trẻ em – thì đó là SỰ SỤP ĐỔ CỦA NGHỀ LÀM CHA MẸ.

Nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc và sắc sảo, Leonard Sax đã chỉ ra những vấn đề thường thấy trong cách nuôi dạy trẻ hiện nay. Từ những sai lầm của các bậc phụ huynh Mỹ nói riêng, Tiến sĩ đã phác họa lại một bức tranh toàn cảnh về sai lầm của các bậc phụ huynh trên toàn thế giới nói chung. Ở đó, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến hậu quả của việc thỏa hiệp quá dễ dàng từ phía cha mẹ đã hình thành nhân cách, thói quen xấu cho con.

Khai thác vấn đề theo chiều sâu, không dừng lại ở việc “vạch tội”, tác giả - dưới cái nhìn tận tâm và thông suốt – đã dành hẳn một chương dài trong cuốn sách chỉ có hai chương để nói về những giải pháp. Câu chuyện thực tế, ví dụ đi kèm, sự phân tích, phán đoán, các số liệu, và lời khuyên chân thành, Leonard Sax không “bỏ mặc” các bậc cha mẹ trong sự hổ thẹn vì những sai lầm, trái lại, ông đồng hành với họ để tìm ra hướng đi đúng cho hành trình nuôi dạy con vốn có nhiều thử thách và đầy ngã rẽ.

Sự thấu tình đạt lý được thể hiện dưới ngòi bút của một chuyên gia đã khiến “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ” trở thành cuốn “kinh thánh” trong giáo dục gia đình hiện đại. Nó đã nhận về vô số lời khen thưởng, tán dương của bạn đọc và các chuyên gia, nhà phê bình, đồng thời trở thành cuốn sách “best seller” theo xếp hạng của tờ New York Times.

Dưới đây là một vài nhận xét dành cho cuốn sách:

“Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trực tiếp với các bậc phụ huynh và trẻ em, bác sĩ Leonard Sax cung cấp một cách nhìn quan trọng về việc nuôi dạy con trong thời hiện đại, cha mẹ đã sai ở đâu và cách khắc phục. Việc làm cha mẹ chưa bao giờ quan trọng hơn, bác sĩ Sax giải thích cách tránh những cạm bẫy và nuôi dạy con tốt”.

(Tiến sĩ Bill Bennett, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ)

“Nếu bạn chỉ định đọc một cuốn sách nuôi dạy con trong năm nay, hãy chọn cuốn Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ” của Leonard Sax. Điều làm nên một cuốn sách hướng dẫn có giá trị chính là một tác giả dày dạn kinh nghiệm thực tế về chủ đề và cách viết lôi cuốn. Leonard Sax có cả hai điều này… Đây đơn giản là một cuốn sách hay, rất dễ đọc và đưa ra những lời khuyên hợp lý về việc trao cho con cái cơ hội tốt nhất để thành công trong cuộc sống”.

(Tạp chí Sách New York)

“Dựa trên nhiều năm kinh nghiệm thực hành lâm sàng lẫn phỏng vấn học sinh và phụ huynh trên toàn thế giới, Sax đưa ra một bức tranh thực tế và đáng báo động về sự sụp đổ của việc nuôi dạy con trên đất nước này. Nhưng ông không để cho người đọc tuyệt vọng; ông đưa ra những giải pháp đơn giản, dễ dàng, cung cấp cho cha mẹ một hướng dẫn dễ tiếp cận để giúp họ lấy lại vai trò chính đáng của mình”.

(Tiến sĩ Nancy Kehoe, Giáo sư Tâm lý học tại Trường Y Harvard)

Trích đoạn:

“Trong phần lớn lịch sử loài người, trẻ em học văn hóa từ người lớn. Chính vì vậy, loài người có tuổi thơ và tuổi dậy thì kéo dài lâu như thế. Nhưng ở Mỹ ngày nay, trẻ con không còn tiếp nhận văn hóa từ người lớn. Trẻ em Mỹ giờ đây có văn hóa riêng của chúng: văn hóa bất kính bạn bè đồng trang lứa học hỏi lẫn nhau. Khi nói về văn hóa bất kính, điều tôi muốn nói đến không chỉ có “sự vô ơn kèm theo coi thường” đã đề cập ở trên, vốn đã trở thành thái độ điển hình của nhiều trẻ em Mỹ đối với cha mẹ chúng; ý của tôi còn là cách trẻ em Mỹ bây giờ thường tỏ ra coi thường nhau và chúng sống trong một xã hội mà sự bất kính được coi là lẽ thường. Năm thập kỷ trước, đĩa đơn của ban nhạc The Beatles “I Want to Hold Your Hand” (Tôi muốn nắm tay em) là bản nhạc hit toàn cầu. Năm 2006, Akon phát hành bài hát “Tôi muốn *** em”. (Phiên bản sạch với tiêu đề “Tôi muốn yêu em” được phát sóng trên đài, nhưng bản gốc với ngôn ngữ tục tĩu mới là bản đạt thứ hạng số 1 ở Hoa Kỳ.)

Dưới đây là một vài khẩu hiệu in trên áo trẻ em Mỹ mà gần đây tôi thấy:

TRÔNG TÔI CÓ THÈM QUAN TÂM KHÔNG?

NGOÀI TẦM CỦA BẠN BẠN CHỈ CÓ THẾ THÔI SAO?

TRÔNG BẠN NHƯ ĐANG CẦN THÊM MỘT LY (RƯỢU) NỮA

Hoặc biến thể:

CHO TÔI UỐNG THÊM MỘT LY NỮA THÌ BẠN VẪN XẤU XÍ

TÔI KHÔNG NHÁT ĐÂU, CHỈ LÀ TÔI KHÔNG THÍCH BẠN

TRÊN FACEB O O K BẠN ĐẸP HƠN

Những áo phông này không phải nhắm vào người lớn (nam trên 25, nữ trên 22). Những chiếc áo này chủ yếu để bạn bè cùng trang lứa nhìn thấy. Những khẩu hiệu trên áo này thể hiện sự coi thường dành cho nhau. Không chỉ nhạc hip-hop hay áo phông, nó ở khắp mọi nơi. Ngay cả kênh Disney cũng tích cực thúc đẩy văn hóa bất kính và hạ thấp tầm quan trọng của phụ huynh. Phim được yêu thích nhất trên kênh Disney, ví dụ như “Jessie”, một sitcom mà cha mẹ hầu như không xuất hiện trong phim (và không liên quan), trong khi ba đứa trẻ còn giỏi hơn cả người quản gia vụng về và vú em ngốc nghếch. Hay như trong phim “Liv và Maddie”, người mẹ đáng thương – tình cờ cũng là chuyên gia tâm lý trường học – thường bị một đứa con gái điệu đà và một đứa con gái tomboy (đều do cùng một diễn viên đóng) khiến cho xấu hổ. Hoặc như trong phim “Chú chó có blog”, người cha là chuyên gia tâm lý – lại là một chuyên gia tâm lý! – nhưng lại không biết gì về hành vi trẻ em, nên cũng bị chính con mình chế nhạo. Sự ngờ nghệch của người cha luôn gây cười trong phim. Chú chó biết nói còn sáng suốt hơn cả người cha.

Bạn không phải đào xới quá khứ nhiều để thấy xã hội Mỹ đã thay đổi thế nào về mặt này. Những chương trình TV được yêu thích nhất những năm 1960 và 1980 luôn khắc họa hình ảnh phụ huynh là tấm gương tin cậy và chắc chắn của trẻ. Như trong phim The Andy Griffith Show những năm 1960, hay phim Những gắn kết trong gia đình vào những năm 1980. Nhưng điều này ngày nay không còn nữa. Nhìn vào danh sách 150 chương trình TV được yêu thích nhất ở Mỹ, tôi không tìm thấy một chương trình nào mô tả một phụ huynh luôn chắc chắn và đáng tin cậy.

Làm cha mẹ trong một xã hội không coi trọng vai trò phụ huynh thật khó khăn. Hai thế hệ trước, cha mẹ và giáo viên ở Mỹ có uy hơn nhiều. Trong thời đại đó, phụ huynh và giáo viên Mỹ giảng dạy phải trái bằng những định nghĩa chắc chắn. Đối xử với người khác như cách bạn muốn người ta đối xử lại với con. Yêu thương hàng xóm như bản thân con. Đây đã từng là mệnh lệnh, không phải là gợi ý.

Ngày nay, hầu hết cha mẹ và giáo viên Mỹ không còn hành động với quyền uy như vậy nữa. Họ không ra lệnh. Thay vào đó, họ hỏi, “Con cảm thấy thế nào nếu ai đó làm như vậy với con?”. Mệnh lệnh đã được thay thế bằng một câu hỏi. Cha mẹ và giáo viên Mỹ phải vật vã tìm cách đối đáp khi học sinh trả lời, “Nếu ai đó làm như vậy với con, con sẽ đá đít nó”. Ngay cả khi học sinh đưa ra câu trả lời “kiểu mẫu” mà chúng biết người lớn sẽ muốn nghe, chúng cũng chỉ đang lặp lại mẫu câu. Chúng không nhập tâm gì cả. Sự giao tiếp thật sự giữa các thế hệ – điều quan trọng nhất trong quá trình tiếp biến văn hóa – đã biến mất”.

***

“Bạn dạy đạo đức bằng cách yêu cầu trẻ phải cư xử có đạo đức. Nói cách khác, bạn yêu cầu chúng giả vờ chúng có đạo đức trước khi chúng thực sự có. Như nhà tâm lý học Adam Grant nhận xét, “Con người thường tin rằng tính cách dẫn đến hành động, nhưng khi nói đến việc tạo ra những đứa trẻ có đạo đức, chúng ta cần nhớ rằng hành động đó cũng định hình tính cách.”

Như tôi đã nhấn mạnh, đây không phải là một ý tưởng mới. Aristotle đã viết về nó hơn 2.000 năm trước. Vào giữa thế kỷ XX, nhà văn người Anh C. S. Lewis đã đưa ra ý tưởng tương tự theo cách này: “Giả vờ dẫn đến thực tế. Khi bạn không cảm thấy thật sự thân thiện nhưng bạn biết rằng bạn nên thế, điều tốt nhất bạn có thể làm thường là cư xử thân thiện và cư xử như thể bạn tốt hơn con người thực sự của bạn. Và trong vài phút, như tất cả chúng ta đều nhận thấy, bạn sẽ thực sự cảm thấy thân thiện hơn trước đó. Thường thì cách duy nhất để có được một đức tính trong thực tế là bắt đầu cư xử như thể bạn đã có nó rồi.”

Thường thì cách duy nhất để có được một đức tính trong thực tế là bắt đầu cư xử như thể bạn đã có nó rồi. Lewis đã viết những từ này hơn một nửa thế kỷ trước. Chúng thể hiện tri thức phổ biến lúc đó, nhưng giờ thì không còn như vậy.

Cách bạn hành động có tác động đến con người bạn và có thể thay đổi bạn. Nếu chúng ta hành động có đạo đức một cách nhất quán trong thời gian đủ dài, chúng ta sẽ trở nên có đạo đức hơn. Nhưng quy trình này cũng diễn ra theo hướng ngược lại. William Deresiewicz đã phỏng vấn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú của Mỹ, những người chưa biết họ muốn làm gì với cuộc sống của mình. Một số người trong số đó quyết định làm việc cho một ngân hàng đầu tư ở Phố Wall hoặc tư vấn quản lý. “Nếu bạn không biết đam mê của mình là gì hoặc bạn thực sự muốn làm gì”, họ nói, thì “bạn cũng có thể đến Phố Wall và kiếm thật nhiều tiền nếu bạn không thể nghĩ ra bất cứ điều gì tốt hơn để làm”.36 Và tôi đã nghe những nhận xét tương tự từ những sinh viên trẻ tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu. Không ai từng dạy cho chúng rằng những gì bạn làm có ảnh hưởng đến con người bạn. Sau một hoặc hai năm ở trong văn hóa Phố Wall, khi làm việc chăm chỉ cho những công ty chỉ quan tâm tới việc kiếm tiền, nhiều đứa trẻ này sẽ tiếp thu văn hóa đó, mà nói cho cùng thì cũng phù hợp với văn hóa phổ biến của Mỹ: Cố gắng kiếm được gì thì kiếm khi còn có thể. Những thái độ này, một khi đã hình thành, rất khó thay đổi và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn của người trẻ tuổi sau khi rời Phố Wall.

Ở Chương 2, khi chúng ta thảo luận về chương trình ăn trưa ở trường, tôi đã đề cập rằng thật không thực tế khi kỳ vọng rằng chỉ đơn giản cho trẻ những lựa chọn tốt sẽ chắc chắn dẫn tới việc trẻ sẽ lựa chọn những đồ ăn tốt cho sức khỏe hơn. Bây giờ bạn có thể thấy điều đó trong một bối cảnh lớn hơn. Giả định của thế kỷ 21 – ngầm hiểu trong nhiều khía cạnh của xã hội, ví dụ như Chương trình Bữa trưa Trường học Quốc gia – là nếu bạn cho trẻ em lựa chọn giữa đúng và sai và cho chúng thấy tại sao chúng nên lựa chọn đúng, thì chắc chắn chúng sẽ lựa chọn đúng. Giả định này không dựa trên bằng chứng. Nó dựa trên dự đoán của thế kỷ 21 về bản chất con người.

Bằng chứng cho thấy cách tiếp cận như vậy thường không có hiệu quả nhất quán. Một cách tiếp cận đáng tin cậy và hiệu quả hơn có thể là bắt trẻ ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe, trong nhiều năm, để khắc sâu thói quen tốt – đồng thời giáo dục chúng về tác dụng của thói quen ăn uống khỏe mạnh. Nhưng chỉ hy vọng rằng trẻ sẽ ăn thực phẩm không phải là lựa chọn hàng đầu của chúng thường không có hiệu quả trong một xã hội mà trẻ em tin rằng mong muốn của chúng là điều tối quan trọng”.

 

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!

 

Thông tin về cuốn sách:

Tên sách

Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ

Tác giả

Leonard Sax

Giá

119.000đ

Số trang

327

Nhà xuất bản

NXB Lao Động

Khổ

Đang cập nhật

Barcode

8935280904453

Sản phẩm liên quan

Sản phẩm mới nhất