Bàn về hạnh phúc

Matthieu Ricard

Hết hàng: Hết hàng

[Thaihabooks]"Hạnh phúc không tự nhiên đến, đó không phải là một ân sủng mà một số phận sung sướng có thể ban phát cho chúng ta hoặc một nỗi bất hạnh có thể tước đi của chúng ta; nó chỉ phụ thuộc vào chính chúng ta mà thôi. Người ta không trở nên hạnh phúc trong một đêm mà phải trả giá bằng sự lao động cần mẫn, ngày này qua ngày khác. Hạnh phúc phải được xây dựng, điều đó đòi hỏi khổ công và thời gian. Để trở nên hạnh phúc, người ta cần phải biết cách thay đổi chính bản thân mình.” - Luca và Francesco Cavalli

Một cô bạn người Mỹ - hiện là chủ một nhà in ảnh nổi tiếng - kể với tôi rằng sau khi đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, cô và một số bạn bè đã tập trung lại để hàn huyên về mơ ước muốn làm gì trong cuộc đời này. Khi nghe cô nói: “Tớ ao ước được hạnh phúc” cả bọn lặng đi vì lúng túng. Một cô trong bọn kêu lên: “Sao cơ? Một người sáng láng như cậu làm sao lại chỉ có ham muốn được là một người hạnh phúc?” Bạn tôi đã đáp lại: “Tớ chưa nói với các cậu rằng tớ muốn được hạnh phúc bằng cách nào. Có vô số cách để đạt được hạnh phúc, ví dụ như lấy chồng, sinh con, thành công trong sự nghiệp, phiêu lưu mạo hiểm, giúp đỡ tha nhân, tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn... Dù chọn công việc gì đi nữa, tớ cũng mong đợi ở cuộc đời một niềm hạnh phúc thực sự”.

Đối với Đức Dalai Lama, “hạnh phúc là mục đích của cuộc đời” trong khi nhà viết tiểu luận Pascal Bruckner lại khẳng định: “Hạnh phúc không phải là mối quan tâm của tôi.” Sao lại có thể tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau đến thế về cái điều mà đa số chúng ta cho là một thành phần căn bản của cuộc đời? Liệu hai con người kia có cùng nói về một chủ đề hay không? Hay có sự nhầm lẫn sâu sắc về chính việc định nghĩa thế nào là hạnh phúc?

Phải chăng cái từ “hạnh phúc” đã bị dùng sai tới mức người ta quay lưng lại với nó do quá chán chường bởi những ảo tưởng và màu mè mà nó mang lại? Đối với một số người, nói đi tìm hạnh phúc gần như là một chuyện vô duyên. Được trang bị tri thức đầy mình, họ ra mặt chế nhạo hạnh phúc như chế nhạo một cuốn tiểu thuyết tình cảm sướt mướt.

Làm sao người ta có thể đi tới chỗ làm giảm giá trị của hạnh phúc đến thế? Phải chăng do khía cạnh giả tạo về nó mà các phương tiện thông tin đại chúng và những thiên đường nhân tạo thường được giới thiệu với chúng ta? Hay đó là dấu hiệu thất bại của những phương tiện thô thiển được tiến hành nhằm đạt được hạnh phúc thực sự? Liệu chúng ta có nên thỏa hiệp với mối lo âu, hơn là cố gắng thực sự và hữu hiệu để tháo gỡ những rắc rối của hạnh phúc và khổ đau?

Theo Henri Bergson: “Người ta định nghĩa hạnh phúc là cái gì đó phức tạp và rối rắm, một trong những quan niệm mà nhân loại đã cố tình thả nổi để mỗi người tự xác định theo cách của mình.” Thực ra, cứ để mọi người hiểu lơ mơ về hạnh phúc cũng chẳng có gì là trầm trọng, nếu đó chỉ là thứ tình cảm thoáng qua và không để lại hậu quả; song đây lại là điều hoàn toàn khác, bởi vì nó là một phương cách sống quyết định chất lượng từng khoảnh khắc cuộc đời của chúng ta. Vậy thì hạnh phúc là gì?

Tất cả chúng ta đều khát khao hạnh phúc, song làm cách nào để có được, giữ gìn nó và thậm chí để định nghĩa nó? Trước câu hỏi mang đầy tính triết lý đang bị giằng xé giữa chủ nghĩa bi quan và thái độ giễu cợt trong tư tưởng phương Tây này, Matthieu Ricard đã mang lại lời giải đáp của đạo Phật: một câu trả lời rất khắt khe, song làm chúng ta yên lòng, lạc quan và ai cũng có thể chấp nhận được.

Thôi tìm hạnh phúc bằng mọi giá ở bên ngoài mình, học cách nhìn vào bên trong nhưng tự ngắm mình ít hơn một chút, làm quen với một cách tiếp cận thế giới vừa sâu sắc hơn, vừa vị tha hơn…

Với một tâm hồn phong phú bởi hai nền văn hóa,với những cuộc gặp gỡ với những nhà minh triết lớn, với sự hiểu biết kinh sách linh thiêng cũng như nỗi thống khổ của con người, Mathieu Ricard – nhà tu hành Phật giáo được nhiều người biết đến nhất và nổi tiếng nhất về đạo Phật tại Pháp – chia sẻ với chúng ta trong cuốn sách này những suy ngẫm say mê về con đường tìm kiếm chân hạnh phúc và những phương pháp để đạt được nó.

MỤC LỤC

Bạn nói về hạnh phúc ư?

Hạnh phúc phải chăng là mục đích của cuộc đời?

Một tấm gương hai mặt từ đó đặt ra vấn đề nội tâm và ngoại cảnh

Những người bạn giả

Chuyển hóa khổ đau

Có thể hạnh phúc được không?

Một nhầm lẫn đáng tiếc những bức màn che lấp “cái tôi”

Dòng sông cảm xúc

Những cảm xúc gây rối loạn và các phương thuốc đối trị

Tham dục

Bước nhảy dài tới tự do

Hận thù

Hạnh phúc và lòng vị tha

Hạnh phúc của những người khiêm nhường

Ghen tức

Nhìn đời màu vàng, màu hồng hay màu xám lạc quan, ngây thơ và bi quan  

Hạnh phúc trong bão tố

Thời gian vàng, thời gian chì và thời gian vô giá trị

Bị lôi cuốn bởi dòng thời gian

Xã hội học về hạnh phúc

Hạnh phúc trong phòng thí nghiệm

Đạo đức học phải chăng là khoa học về hạnh phúc?

Như dòng thác đổ về biển cả... an lạc trước cái chết

Đạo

Lời cảm ơn

Trích đoạn sách:

DÒNG SÔNG CẢM XÚC

Nếu tham vọng đam mê là những vận động lớn lao của tâm thức thì cảm xúc chính là những diễn viên thể hiện chúng. Trong suốt cuộc đời ta, các cảm xúc đi qua tâm như một dòng sông cuộn sóng và quyết định không biết bao nhiêu trạng thái hạnh phúc và khổ đau. Có nên làm cho dòng sông này bớt hung hãn đi không? Có thể làm được điều đó không? Bằng cách nào? Một số cảm xúc giúp ta phát triển, một số khác khiến ta héo mòn. Nên nhớ rằng từ eudemonia trong tiếng Hy Lạp, được dịch là “hạnh phúc”, có nghĩa là nở hoa, nảy nở, phát triển, hoàn thành, niềm nở. Tình yêu hướng về hạnh phúc của người khác, sự cảm thông hoàn toàn với nỗi khổ niềm đau của họ bằng ý nghĩ và bằng hành động là những ví dụ về những cảm xúc khiến ta thăng hoa, tạo điều kiện cho hạnh phúc tỏa sáng. Dục vọng khát khao sở hữu, lòng tham bám víu vào thứ mà mình thích, cũng như thù hận là những ví dụ về những cảm xúc khổ nhục. Làm cách nào để phát triển những cảm xúc có tính xây dựng và sửa đổi những cảm xúc có tính phá hoại?

Trước khi trả lời những câu hỏi trên, cần phải bắt đầu bằng việc xác định rõ ý nghĩa mà người ta gán cho từ “cảm xúc”. Theo đạo Phật, mọi hoạt động của tâm thức, kể cả tư duy lý trí, đều kết hợp với một cảm giác thích thú, đau khổ hay lãnh đạm. Cũng vậy, đa phần các trạng thái tình cảm như yêu thương và căm giận đều đi kèm với suy nghĩ. Theo khoa học nghiên cứu về khả năng nhận thức, thực ra mà nói, không có “những trung tâm cảm xúc” ở trong bộ não. Những đường dây thần kinh chuyên chở các cảm xúc liên hệ mật thiết với những đường tải khả năng nhận thức. Các tiến trình đó không thể tách rời ra được: các cảm xúc xuất hiện trong một bối cảnh hành động và suy nghĩ, trên thực tế, chúng không bao giờ tự xuất hiện, độc lập với những mặt khác trong trải nghiệm của chúng ta. Lưu ý rằng điều đó đi ngược lại lý thuyết của Freud, theo đó, những cảm xúc mạnh mẽ như tức giận hoặc ghen ghét chẳng hạn có thể khởi lên mà không cần một nội dung nhận thức và khái niệm đặc biệt nào.

Ảnh hưởng của các cảm xúc

Từ “cảm xúc” có căn nguyên là động từ tiếng Latin emovere, nghĩa là “chuyển động”, bao hàm mọi tình cảm làm tâm bị lay động, dù hướng tới một suy nghĩ độc hại, trung tính hay tích cực. Đối với đạo Phật, cảm xúc chỉ ra cái ảnh hưởng tới tâm thức và khiến nó phải chấp nhận một quan điểm nào đó, một cách nhìn nào đó về vạn vật. Nó không nhất thiết là mối xúc động bỗng dưng trào lên từ tâm thức - định nghĩa này gần với điều mà các nhà khoa học đang nghiên cứu về cảm xúc. Hơn nữa, đạo Phật ít phân biệt cảm xúc với ý nghĩ, mà nó làm nổi bật lên các loại hoạt động của tâm thức, trong đó có loại tạo điều kiện dẫn tới “hạnh phúc” (soukha) của mình cũng như của người, và có loại làm hại tới hạnh phúc trước mắt hay lâu dài.

Cách đơn giản nhất để xác định sự khác nhau giữa các cảm xúc là xem xét động cơ của chúng (thái độ của tâm và mục đích đã định) và những kết quả chúng mang lại. Theo đạo Phật, nếu một cảm xúc có tác dụng củng cố tâm an lạc và hướng về tha nhân thì nó là tích cực hoặc có tính xây dựng; nếu nó phá hoại trạng thái thanh thản của chúng ta, làm rối loạn tâm trí chúng ta và làm hại tới những người khác thì nó là tiêu cực hoặc nhiễu loạn. Còn về hậu quả thì tiêu chí duy nhất để đánh giá là lợi lạc hoặc đau khổ mà chúng ta gây ra qua hành động, lời nói và suy nghĩ của mình, cho chính mình cũng như cho người khác. Chính đó là điều khác nhau giữa một “cơn giận thánh thiện” - căm phẫn khi chứng kiến một sự bất công chẳng hạn, và một cơn giận điên cuồng muốn trừng trị người khác. Cơn giận thánh thiện giải phóng các dân tộc khỏi ách nô lệ và thống trị, khích lệ chúng ta xuống đường và làm thay đổi thế giới. Mục đích của nó là chấm dứt bất công một cách nhanh nhất hoặc giúp con người ý thức được lỗi lầm của mình. Cơn giận thứ hai chỉ gây khổ đau mà thôi.

Nếu động cơ, mục đích và hậu quả mang tính tích cực, chúng ta có thể sử dụng những biện pháp thích hợp, bất kể dưới hình thức nào. Nói dối và ăn cắp thường là những hành động gây hại, cho nên nói chung là đáng chê trách; song ta vẫn có thể nói dối để cứu sinh mạng của một con người đang bị kẻ giết người truy lùng, hoặc lấy cắp những thực phẩm dự trữ của một tên bạo chúa ích kỷ để tránh cho cả một ngôi làng khỏi bị chết đói. Ngược lại, nếu động cơ là tiêu cực và mục đích hiển nhiên là làm hại, hoặc phục vụ lợi ích cá nhân đầy ích kỷ, ngay cả khi những kẻ đó sử dụng những biện pháp nhìn bề ngoài có vẻ đáng trọng, thì đó vẫn là những hành động tiêu cực thậm tệ. Nhà thơ Tây Tạng Shabkar nói: “Người nào có lòng cảm thông là người tốt, ngay cả khi họ tức giận; kẻ nào không có lòng từ bi có thể giết hại ngay cả với nụ cười trên môi”.

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!

 

Thông tin về cuốn sách:

Tên sách

Bàn về hạnh phúc

Tác giả

Matthieu Ricard

Dịch giả

Lê Việt Liên  (dịch) – Nguyễn Quang Chiến (hiệu đính)

Giá

99000

Số trang

412

Nhà xuất bản

Lao Động

Khổ

15.5 x 24cm

Barcode

8935280907195  ISBN:  9786043019353

Trọng lượng

  gram

 


Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!

Sản phẩm liên quan

Sản phẩm mới nhất