Sống chậm đợi nắng lên

Đỗ Xuân Thảo
66,750₫

Giá gốc: 89,000₫

Ngày phát hành dự kiến: 7/1/2020

[ThaiHaBooks] Lúc con trai còn nhỏ, tôi thường có những trò chơi đố vui dành cho con. Các câu đố thường lấy chủ đề về thiên nhiên, cây cối và loài vật gần gũi trong đời sống hàng ngày. Tôi luôn mong muốn con được trải lòng với vạn vật xung quanh một cách dịu lành và ngọt ngào.

Nhớ có lần tôi hỏi con: Đố con, đây là con gì? Lúc thò cổ / Lúc rụt đầu/  Hễ đi đâu đó / Mang nhà đi theo. Con đã ngẩn tò te suốt cả buổi rồi tự hỏi: Sao lại có con vật mang nhà đi theo bố nhỉ.

Đến khi con không thể giải đố được, tôi mới đưa ra đáp án, con vật “lạ lùng” đó chính là ốc sên.

Con trai phì cười, ôm cổ bố thỏ thẻ: Con biết rồi. Con ốc sên là con vật cẩn thận nhất. Nó lo bị lạc nhà, bị về muộn nên mang nhà đi theo luôn.

Tôi luôn mang theo trong lòng câu nói ngây thơ của con trai tự ngày ấy. Cái ý nghĩ mang nhà bên mình để khỏi quên, khỏi lạc thực sự quá ấn tượng. Bởi thông thường chúng ta chỉ nghĩ ốc sên là loài vật chậm chạp, nên những ai chậm, rù rờ thường bị ví là “chậm như sên”.

Nghĩ thế là oan cho ốc sên vì thực ra chúng đi được rất xa. Từ chỗ là loài bản địa của vùng Đông Phi,  ốc sên đã có mặt và sinh sôi ở hầu hết các lục địa và hải đảo trên thế giới.

Năm tháng qua đi, con trai bé bỏng ngày nào giờ đã trở thành chàng sinh viên đại học và chắc con chẳng còn băn khoăn vì sao ốc sên lại mang theo nhà bên mình. Sách vở chắc đã giúp con hiểu ốc sên là loài thân mềm sống trên cạn. Nếu chúng không mang theo nhà bên mình thì trên đường di chuyển sẽ bị chết khô bởi sự thay đổi của môi trường.

Mọi điều đều có thể nhìn nhận dưới lăng kính của khoa học. Mạng thông tin toàn cầu giúp ta dễ dàng hiểu được nhiều điều chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Ấy thế nhưng, tôi vẫn cứ mơ màng nghĩ về cái câu hỏi ngây thơ của con năm nào: Vì sao chúng ta cần phải mang theo nhà bên mình?

Vì khi ấy nhà không chỉ là nơi trú chân mà còn là nơi che chắn nỗi cô độc của mỗi người trên đường lữ hành qua ngày mưa tháng nắng.

Tôi đã từng có thời tuổi trẻ tang bồng hồ thỉ, lên Đông xuống Đoài, đi Nam về Bắc, đi ngược về xuôi. Tôi đã từng có thời tuổi trẻ với những xê dịch qua nhiều khung giờ ở những quốc gia khác nhau trên thế giới. Nhưng sau tất cả, tôi vẫn muốn như chú ốc sên kia, sống chậm rãi và luôn có NHÀ ở trong tim. Có NHÀ để biết “Sống chậm theo từng nhịp” và “Đợi nắng đến xôn xao” như tiêu đề hai phần trong cuốn tản văn “Sống chậm đợi nắng” lên của tôi.

  1. Sống chậm theo từng nhịp

Sống chậm không phải chỉ là ngồi yên đợi thời gian lặng lẽ trôi. Sống chậm là để tĩnh tâm cảm nhận những cung bậc cảm xúc đang hiện hữu trong lòng: buồn bã hay sướng vui, hạnh phúc hay âu lo thắc thỏm… Từng nhịp từng nhịp đều đo đếm bằng nhịp đập con tim và đọc thấy trong đó nỗi khắc khoải về cuộc đời muôn nẻo.

Sống chậm từng nhịp là khi cảm nhận được tình yêu trong lành, ngọt mát của mình dành cho những thương yêu. Là khi thấu hiểu được sự khác biệt giữa hai khái niệm “Nhà” và “Gia đình”.

“Nhà” được xem là tổ ấm, là mái ấm, khi nó chở che bảo bọc cho một “gia đình” hòa thuận những yêu thương. Và “nhà” sẽ chỉ trần xì là một công trình với gạch vữa, với sắt thép bê tông khi thuận hòa, yêu thương vắng bóng.

Vì ngộ ra điều ấy từ rất sớm nên tôi thích sống chậm, thu vào với “cái tôi” nhỏ bé của mình để mong mình được như một vịnh nhỏ giữa biển đời. Vịnh ấy đủ độ trong trẻo, bình lặng cần thiết để bố mẹ, vợ con, để chị, để em, để cháu chắt có thể trú náu khi ngoài biển đời bão to sóng cả. Vịnh ấm ấy là nơi mà khi đi xa ai cũng muốn trở về. Là nơi những người thân yêu của mình có thể nương dựa vào nhau mà rơi nước mắt, mà tìm chốn chở che an ủi. Là nơi lưu giữ cuống nhau và những tiếng khóc buổi lọt lòng của con trai. Là nơi ấp ôm hình ảnh bố ngồi lặng phắc trước cái ti vi chỉ xem hình mà không bật tiếng vì sợ mẹ đau đầu. Là nơi cho đi những nụ cười, những ánh mắt thương yêu mà không cần biết lý do…

Và như thế, sống chậm là khi những kí ức không bao giờ nhạt phai trong một không gian ruột rà máu huyết.

Sống chậm từng nhịp còn giúp tôi được rong chơi trong khoảnh vườn xuân bé nhỏ, lắng nghe hơi thở của trăng sao, của lá hoa: “ Đêm ngày đêm buồn bã với những môi hôn / Trong vườn trăng vừa khép những đóa mong manh” như ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn.

Vì sao môi hôn mà lại buồn ? Phải chăng ấy là nỗi buồn của niềm hạnh phúc?

Hoa đang nở trên lưng một cuống lá dài như môi ai đang cười trên lưng một người tình. Nhưng cũng môi hôn đó, vừa cười với trăng hoa dập dìu đã giã từ đêm trăng với những cánh dần khép trong mong manh huyền hoặc…

Và cứ thế, tôi chầm chậm đến với đóa quỳnh, đến với ngọc lan, đến với chùm hoa giẻ để dịu dàng nở trong tâm mình một đóa bình yên. Tự độ ấy, tôi thành đêm trăng của những ngày xưa với môi hôn quỳnh hương mong manh. Và cũng từ ấy, tôi thấy mình miết mải trôi đi trong dòng trăng trong veo nôn nao cánh buồm cổ tích.

  1. Đợi nắng đến xôn xao

Bố ơi, nắng đang khiêu vũ kìa!

Đó là lời mừng vui của con trai khi bất chợt nhìn thấy những đốm nắng nhảy nhót trên sân sau cơn mưa rào.

Ừ và kia nữa con kìa, cầu vồng đang mọc. Cầu vồng như một nửa vòng tròn khổng lồ rực rỡ mọc ra từ nóc của tòa cao ốc phía xa xa.

Vẻ đẹp thanh khiết sau mưa, lời reo gọi, ánh mắt lấp lánh của con trai trong buổi chiều chạng vạng… là men say cho tôi - một ông bố mê con đắm đuối.

Đối với tôi, con trai yêu thương đến từng milimet thịt da cũng chính là những mầm nắng của đời tôi, như lời thơ Đinh Vũ Hoàng Nguyên:

Bụng mẹ kết thành đêm

Ủ hạt mầm nắng ngủ

Nơi bầu đêm con thở

Nắng của đời ba xanh…

Với tôi, một “mầm cha” được hình thành từ một “mầm con”- Tình phụ tử linh ái sẽ nhào nặn những người đàn ông xốc nổi thành những người cha tận tụy, dịu dàng…

Khi con đi học xa nhà, tôi tựa nương vào những men say tình yêu đó để bình yên đi qua những mùa nhớ.

Và ước ao những điều giản dị:

Bếu ơi

Nếu có thể đóng hộp được thịt kho

Bố sẽ đóng cho con cả ngàn vạn hộp

Con mang sang ăn dần ngay cả khi vào học

Để con luôn nhớ bếp nhà xao xác những hoàng hôn

Nếu có thể đóng hộp được nụ hôn

Bố sẽ đặt vào đó cả ngàn vạn nụ

Những đêm trăng trên miền xanh biêng biếc

Con bỏ ra dùng và má ấm mịn như tơ

Nếu có thể đóng hộp được những câu thơ

Bố sẽ viết khúc thương yêu chắt ra từ trái tim của bố

Rằng, bố yêu con muôn đời không thể hiểu

Con lấy ra dùng khi ghềnh thác nẻo đường xa

Để rồi con cứ hát cứ ca

Cứ hồn nhiên trong rộn ràng thanh nhạc

Con ơi, khi đó là con đang “đóng hộp”

Triệu triệu niềm vui gửi cho bố, ở nơi này

Bố sẽ mang ra thưởng thức từng ngày

Bày biện “thực đơn” trong các ngăn trái tim của bố

Để chạm vào đâu cũng nốt thương nốt nhớ

Để yêu thương luôn là hạnh phúc tháng ngày xa…

Và rồi, tình yêu chạm tới tình yêu. Con trai cứ trưởng thành lành lẽ mỗi ngày.

Tôi được đón những tia nắng của lòng mình, đón cầu vồng sau mưa thanh khiết của riêng tôi từ nơi cách xa quê nhà nửa vòng trái đất.

Những bài viết ở phần hai cuốn tản văn này liệu có làm trái tim bạn xôn xao trong nhịp thời gian, có giúp bạn yêu thêm những chặng đường bạn đã đi và sẽ đi, để bạn thấy mọi con đường đều mới mẻ và kì thú mỗi ngày nếu đi chậm, nhìn kĩ và yêu thương thật sâu…

Cứ thế tản văn “Sống chậm đợi nắng lên” sẽ dẫn bạn đi cùng tôi trên những cung đường để quên đi đơn độc, đớn đau, để làm dịu lại những vết thương lòng và để dưỡng nuôi những điều đẹp đẽ, thiện lương.

Xin trân trọng giới thiệu tản văn “Sống chậm đợi nắng lên” cùng bạn đọc!

THANH XUÂN RỰC RỠ

1. Sáng nay bầu trời Hà Nội như có lớp sương mù bao phủ, âm u và xám xịt.

Khói bụi, ô nhiễm đã khiến Hà Nội trở nên trĩu nặng thế này.

Mình chợt nhớ đến những nhân vật trong cuốn “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” của nhà văn Patrick Modiano. Những nhân vật này luôn thủy chung với tuổi trẻ của họ, thủy chung với cuộc đời phiêu lãng, không phép tắc và không màng đến ngày mai. Họ tuyệt vọng vì yêu đời quá thiết tha. Họ như những kẻ dại khờ rực rỡ và mỏng manh. Họ như đám mây xốp mềm và tất cả những buồn vui, những niềm hân hoan đều có thể để lại dấu vết trong tâm trí. Ngay cả mùi vỏ cây trong một ngày mưa cũng vang động như làn sóng âm thanh rạo rực truyền đi trong tâm trí họ.

 

Mình cũng đã từng lạc lối trong tuổi trẻ của mình như thế. Đôi khi ngông cuồng. Đôi khi u uẩn. Đôi khi bị tổn thương vì những vết xước nhỏ mà đau thấu tâm can. Đôi khi bơ vơ. Đôi khi say đắm và cuồng nhiệt. Đôi khi điên rồ chói lóa chỉ vì một làn hương, một bàn tay, một bờ môi hoặc một ánh nhìn trong chiều nhạt nắng gửi mộng mơ.

Nhưng dù lạc lối thì cái tuổi trẻ rực rỡ ấy cũng đã bỏ ta mà đi. Nó bỏ đi trong khẽ khàng và im ắng. Khẽ khàng như những bước nhón gót nhẹ nhàng trong đêm khiến chính ta cũng không hay biết.

Ta chợt nhận ra điều đó khi mỗi sáng soi gương thấy tóc thêm vài ba sợi bạc, thấy chân tay đau nhức mỗi khi trở trời trái gió, thấy cái ngón tay chuyên gõ máy tính cứng đơ, nói gì nó cũng không chịu nghe và hễ cử động mạnh là buốt nhói.

Ta chợt nhận ra điều đó khi kí ức không còn vang động dư âm của những nụ hôn hay cái nắm tay dùng dằng thuở nào xa lắc. Ta nhớ về những trang kí ức ấy như hoài niệm về những gì thanh khiết của một thời quá vãng chứ lòng chẳng còn cồn dứt day và luyến tiếc.

Ta chợt nhận ra điều đó khi biết mình “lực bất tòng tâm”, không thể tự mình làm chủ một cái gì, kể cả thân thể của mình và dĩ nhiên cả tuổi trẻ. Mình muốn tóc xanh mà tóc cứ bạc. Mình muốn ngủ mà mắt không chịu nhắm. Buồn, vui, thương, yêu, ghét bỏ, giận hờn cứ tự đến rồi đi chẳng chịu“xin phép” gì mình cả.

2. Và khi tuổi trẻ rời bỏ mình đi cũng lại là lúc mình nhận được nhiều giá trị mới mà chỉ tuổi cận già mới thấy.

Ví như sáng nay lòng bừng lên như nắng mới thêu khi nhận được tin cuốn tản văn “Những bài học ngoài trang sách” của con trai đạt giải B giải thưởng sách quốc gia năm 2019.

Giải thưởng chỉ mang tính khích lệ tinh thần nhưng đối với mình, điều đó quý giá vô chừng.

Bởi thêm một lần nữa, mình lại nghĩ về hành trình mà con đã đi, về những tháng ngày con đã sống, về những gì con đã viết một cách thật ấm áp.

“Những bài học ngoài trang sách” phác hoạ chân dung những người đã cùng con vượt chặng đường gian khó những ngày tháng đầu con du học bên nước Mỹ xa xôi hoặc những người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tuổi thơ con.

 Đọc lại từng trang sách ấm nóng, mình vẫn thấy bất ngờ về cách con nhìn nhận và đánh giá con người và sự việc. Cái cách nhìn nhận tuy còn những nét ngây thơ, trong sáng nhưng luôn ẩn tàng sự hài hước, dí dỏm mà không kém phần sâu sắc. Điều tuyệt vời nhất là con luôn nhìn vào điểm tích cực, vào lòng tốt và thiện lương ở mỗi người.

Trong mắt con, ai cũng có “điểm yếu” này nọ nhưng rồi ai cũng biết cách tận hưởng hạnh phúc của riêng mình.

Cuộc sống chất chồng muôn nỗi khó khăn và bất an khiến người ta đôi khi chỉ thấy cuộc đời bày ra toàn là những xót xa, những đau đớn, những dằn vặt, những âu lo. Vì thế, đọc sách của con mình cũng tự rút ra được những bài học về “ nhân sinh quan” trong cách nhìn đời, nhìn người trong trẻo, trong những thiết tha yêu của một thời tuổi như mùa xuân tinh khôi với ngạt ngào hoa thơm và nồng nàn nắng ấm…

“Những bài học ngoài trang sách” cũng là thông điệp gửi đến các bậc cha mẹ, những người làm giáo dục lời nhắn nhủ rằng, tri thức thức không bao giờ là đủ. Cách chúng ta ứng xử với những người xung quanh, cách chúng ta nồng nhiệt với cuộc đời mới chính là điều làm nên hạnh phúc. Nếu không có lòng trắc ẩn, không biết cách sống chung và sống cùng thì thành công nhiều khi cũng trở nên lẻ loi, cô độc.

Mình ngồi lặng ngắm cuốn tản văn “Những bài học ngoài trang sách” mà như thấy hiện về cả một trời yêu thương. Bao nhiêu ngày con đi học xa là bấy nhiêu ngày nhớ nhung, lo lắng thắc thỏm. Nhưng những gì con viết trong sách như một chỉ báo rằng, bố ơi con ổn. Rằng bố ơi con đang làm việc, đang say mê và đang sống hạnh phúc cùng tuổi thanh xuân rực rỡ và vĩnh cửu...

Mình nhớ đôi mắt của con luôn rực sáng mỗi khi nói với bố về dự định tương lai, nhớ cái cách con quyết tâm đi tìm cho mẹ gói thuốc chữa dị ứng trong đêm bất chấp mưa phùn và gió bấc. Và khi ấy, mình thấy được hồi sinh.

Sau những ngày trời âm u, tờ giấy mời tham dự buổi “Lễ trao tặng giải thưởng sách quốc gia” như khiến mình được du hành đến với một khung trời mộng mơ nơi có tuổi trẻ của mình ở đó.

Tuổi trẻ tươi mềm và rực rỡ vẫn bịn rịn trên bàn tay nắm, trên từng nếp áo, nếp khăn, trong từng hơi thở của chính mình.

Nó giúp mình yêu thương một cách điềm nhiên, chỉn chu và kĩ lưỡng hơn…

Bởi mình cũng có “Những bài học ngoài trang sách” của riêng mình.

Hình như đốm sáng phía cánh đồng xa kia là một cánh cò vừa đậu. Giữa làn sương mờ ảo, đốm sáng ấy cứ nhấp nháy. Nó khiến mình như được sải chân trần chạy trên cánh đồng thông thênh gió với đôi mắt sáng rực, với lòng nhẹ bẫng và với hân hoan muôn nỗi tin yêu.

Cảm ơn “Những bài học ngoài trang sách”, cảm ơn con trai đã giúp bố ngộ ra rằng: Tuổi trẻ của bố không lạc lối.

Vì nó thuộc về con và luôn hiện hữu trong thanh xuân rực rỡ của con!


Thái Hà Books trân trọng giới thiệu!

Sản phẩm liên quan

Sản phẩm mới nhất