Tỷ phú không tiền - Chuck Feeney đã bí mật cho đi của cải như thế nào

Conor O’Clery
151,200₫

Giá gốc: 189,000₫

[ThaiHaBooks] 23 tháng Mười một năm 1984. Đó là một ngày thứ Sáu nắng nóng, tại sân bay quốc tế Nassau, các hành khách bắt đầu rời khỏi máy bay sau một chuyến bay dài ba tiếng từ New York. Hầu hết trong số họ đều là người Mỹ đến để tham dự các bữa tiệc được tổ chức tại Bahamas nhân dịp lễ Tạ ơn. Một người đàn ông trung niên không có gì thực sự khác biệt ngoại trừ đôi mắt xanh sâu thẳm, bước ra từ khoang ghế phổ thông. Ông cùng vợ mình bắt taxi đến tòa nhà văn phòng ở Cable Beach, một chuỗi khách sạn và chung cư nằm bên bờ Đại Tây Dương. Ông không phải khách du lịch, bởi ông đã quá quen thuộc với hòn đảo cận nhiệt đới này, nơi ông thường xuyên thực hiện các giao dịch kinh doanh khiến ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Nhưng lần này, ông đến Bahamas để chốt một giao dịch hoàn toàn khác, điều sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của ông.

Hai luật sư cũng đến Bahamas vào buổi sáng hôm đó để gặp gỡ ông. Frank Mutch bay từ Bermuda đến sân bay Nassau để làm nhân chứng pháp lý cho giao dịch. Harvey Dale cũng được kỳ vọng sẽ đến cùng thời điểm đó từ Florida, nơi ông đón lễ Tạ ơn với cha mẹ. Ông đã mang theo tất cả những tài liệu cần thiết. Dale đã chuẩn bị rất kỹ cho sự kiện này. Sau hai năm lập kế hoạch, cuối cùng, giao dịch cũng được diễn ra ở Bahamas để tránh những hình phạt tài chính khổng lồ nếu ký kết ở những nơi khác. Vị luật sư được đào tạo ở Harvard này đã thuê được phòng họp ở Cable Beach của một công ty uy tín, nơi các giấy tờ sẽ được ký. Quy trình phức tạp này sẽ được thực hiện trong vòng ba giờ nhưng vẫn đảm bảo cho tất cả mọi người có đủ thời gian để đáp chuyến bay buổi tối trở về nhà.

Tuy nhiên, khi đến phần ký kết, Harvey Dale vẫn chưa xuất hiện. Có một thứ ông không kiểm soát được, đó là thời tiết.

Buổi sáng hôm đó, tất cả các máy bay ở sân bay Palm Beach, Florida đều không được cất cánh vì có cơn giông. Sự thất vọng của ông ngày càng lộ rõ khi đã nhiều giờ trôi qua mà máy bay vẫn chưa thể cất cánh. Ở Bahamas, trong lúc chờ ông, những người khác đi ra ngoài ăn trưa với món cá và khoai tây chiên, sau đó quay trở lại văn phòng, ngồi quanh bàn họp và nói chuyện phiếm.

Đến đầu giờ chiều, Dale mới có thể lên máy bay khởi hành từ West Palm Beach đi Nassau. Chiếc máy bay lao thẳng vào giữa những đám mây vẫn đang vần vũ và bị rung lắc mạnh, nhưng tiết trời nhanh chóng trở nên quang đãng. Sau khi hạ cánh xuống Bahamas, ông lao đến phòng họp vào lúc 4 giờ chiều, chỉ một tiếng trước khi cả nhóm phải rời tòa nhà và trở lại sân bay. Ông mở cặp đựng hồ sơ và rải hợp đồng, giấy ủy quyền, quyết định của công ty cùng những văn bản pháp lý khác lên bàn: “Không còn thời gian để nói, ông ký vào chỗ này, còn ông ký vào chỗ kia.” Rồi ông thu thập hết các loại giấy tờ lại, và tất cả bọn họ đều vội vã đáp chuyến bay buổi tối để rời khỏi hòn đảo.

Trên đường quay lại sân bay Nassau, Charles F. Feeney cảm thấy thật nhẹ nhõm. Ông đã đến Bahamas với tư cách là một người vô cùng giàu có, và giờ ông rời đi, gần như tay trắng, chẳng khác gì hơn ba thập kỷ trước khi mới bắt đầu tập tành kinh doanh. Trong khi hàng triệu người dân Mỹ tạ ơn Chúa vì những của cải vật chất họ nhận được, ông lại quyết định từ bỏ khối tài sản khổng lồ mà số phận và tài năng đã mang lại cho mình. Với ông, đó là một gánh nặng.

Tất cả những việc này được thực hiện hết sức bí mật. Ngoài những người có mặt trong phòng họp, hầu như không ai biết được điều gì đã xảy ra vào buổi chiều hôm đó trong suốt một thời gian dài. Đến tận bốn năm sau, tạp chí Forbes vẫn còn xếp Feeney vào danh sách một trong 23 người còn sống giàu nhất nước Mỹ, xác nhận ông là một tỷ phú với khối tài sản trị giá 1,3 tỷ đô-la. Nhưng Forbes đã nhầm, và sẽ còn tiếp tục lặp lại sai lầm đó trong nhiều năm sau. Chuck Feeney đã từ bỏ tất cả. Ông là một tỷ phú không tiền.

Cuốn Tỷ phú không tiền là tiểu sử về Chuck Feeney, tường thuật lại những sóng gió ông và các cộng sự trải qua trên thương trường để kiến tạo nên một đế chế bán lẻ hùng mạnh, cũng như những nỗ lực của ông trong việc đem toàn bộ gia sản đi làm từ thiện. Trong sách cũng có một chương kể về những hoạt động tài trợ của Chuck Feeney tại Việt Nam bao gồm việc hợp tác với tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, hay tài trợ cho trường RMIT. Tác giả cũng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Feeney trong việc khuyến khích các tỷ phú trên thế giới như Bill Gates và Warren Buffett cho đi khi còn sống.

MỤC LỤC

PHẦN 1 Tạo ra của cải

1 Cậu bé bán ô

2 Anh chàng bán bánh Sandwich

3 Chiếc nhẫn định mệnh

4 Cuốn catalog kỳ lạ

5 Cưỡi lên lưng hổ

6 Cơn bão hoàn hảo

7 Quần đảo Sandwich

8 Chiến dịch ở Hồng Kông

9 “Cơn lốc” du khách Nhật

PHẦN 2 Hoạt động bí mật

10 Có bao nhiêu tiền thì được tính là giàu?

11 Bermuda  

12 Bốn người đàn ông trong một căn phòng

13 Người giàu, người nghèo

14 Đừng hỏi. Đừng nói.

15 Vận may của người Ai-len

16 Để tiền lại trên bàn

17 Giàu có, kiên cường và quyết đoán

18 Sự xuất hiện của nhà thông thái  

19 Bước xuống

20 Cho tôi xem tòa nhà

21 Lập lại hòa bình

PHẦN 3 Chia tay

22 Mối quan hệ ở Pháp

23 Trò chơi Ghế âm nhạc  

24 Phân xử

25 Sai lầm chiến lược

PHẦN 4 Cho đi

26 Một kiệt tác  

27 Trái tim vàng

28 Chim đinh viên

29 Đổi mới một đất nước

30 Hoạt động từ thiện bắt đầu tại quê nhà

31 Mở rộng về mặt địa lý

32 Những anh bạn già

33 Không có túi tiền nào trong tấm vải liệm

PHẦN 5 Khủng hoảng cuối đời

34 Nguồn gốc Mỹ

35 Không việc tốt nào không bị trừng phạt

36 Máu trên sàn

37 Quà Giáng sinh của Chuck Feeney dành cho New York

38 Cho đi tiền bạc của gia đình

39 Ngài James Bond của lĩnh vực từ thiện

 

TRÍCH ĐOẠN SÁCH:

Giàu có, kiên cường và quyết đoán

Vào thứ Sáu, mùng 7 tháng Mười năm 1988, một đồng nghiệp đưa cho Chuck Feeney tờ tạp chí Forbes đã mở sẵn ở trang 36 với dòng tít lớn: “Giàu có, kiên cường và quyết đoán”. “Anh đã đọc bài báo này chưa?” Ông ta hỏi. “Khỉ thật!” Feeney đáp lại.

Feeney đọc bài báo và phát hoảng lên khi thấy mình có tên trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn. Theo tờ nhật báo có trụ sở ở New York này, Charles F. Feeney đứng thứ 23 trong số những người Mỹ còn sống giàu nhất với tài sản trị giá 1,3 tỷ đô-la, giàu hơn cả Rupert Murdoch, David Rockefeller, hay Donald Trump. Dự đoán của Paul Hannon về việc DFS sẽ trở nên “quá lớn và quá thú vị” đến mức Forbes không thể bỏ qua đã trở thành hiện thực.

Bob Miller không có trong danh sách những người giàu có này bởi ông đã từ bỏ quốc tịch Mỹ và trở thành công dân Anh, nhưng bài báo dự đoán rằng ông, cũng như Feeney, là một tỷ phú. Là một người Anh, Alan Parker cũng không được xếp hạng. Tony Pilaro thì đứng ở vị trí thứ 231 với tài sản ước tính khoảng 340 triệu đô-la, tuy nhiên, Forbes đã báo cáo sai cổ phần của ông ở DFS, ở mức 10% thay vì 2,5% trên thực tế.

Bài báo khiến cả gia đình Chuck kinh ngạc. Các chị em gái của Chuck ở New Jersey “không thể tin nổi” con số ước tính tài sản của ông trong bài báo. Danielle gọi cho Arlene và nói với bà rằng Chuck đang rất tức giận, mặc dù cá nhân bà nghĩ hẳn ông cũng có chút tự hào khi những người xung quanh đã và đang nhìn nhận ông như một doanh nhân thành đạt. Ở New Jersey, “tất cả những ai tốt nghiệp trường Đức Maria Lên Trời đều tìm mua tạp chí Forbes,” Bob Cogan, bạn học của Feeney, nói. “Chúng tôi đã vô cùng sửng sốt. Ông ta chắc chắn sẽ tiến lên và sánh ngang với Rockefeller.”

Điều khiến Chuck lo ngại nhất trong bài báo dài 2.750 từ của Forbes là nó khẳng định rằng Chuck sống ở London cùng với bà vợ người Pháp của mình và 5 người con. Bài báo cũng nói rằng Chuck đã đầu tư vào hoặc thành lập hàng tá các công ty ở châu Âu, châu Á và Mỹ thông qua tập đoàn General Atlantic, có trụ sở tại Bermuda.

Harvey Dale ngay lập tức hành động để hạn chế tối đa mối nguy hiểm. Ông tới gặp nhà Rockefeller để xin lời khuyên về cách xử lý vụ khủng hoảng truyền thông này. Họ khuyên Feeney nên sử dụng một cái tên khác khi đi lại và thuê vệ sĩ. Feeney không thay đổi lịch trình hàng ngày của mình, nhưng ông đã nghe theo lời khuyên của Jules Kroll, cựu sinh viên Cornell, giờ đang điều hành một công ty an ninh: “Nếu anh muốn bắt taxi và có một chiếc đang chờ anh, hãy kiên nhẫn đợi xe khác thay vì bước chân lên chiếc taxi đó.”

Các phóng viên của Forbes, Andrew Tanzer và Marc Beauchamp, không biết gì về các hoạt động từ thiện của Feeney, nhưng họ hiểu khá rõ DFS. Họ mô tả cách DFS làm để có được những mối liên kết chặt chẽ với các công ty du lịch Nhật Bản, những chiến lược phức tạp của DFS nhằm đưa khách du lịch Nhật Bản tới các cửa hàng ở trung tâm của họ, và ép các nhà cung cấp để nâng mức chênh lệch giữa giá bán và chi phí nhập hàng lên tới 200%. Họ cũng biết về mối quan hệ giữa DFS và Camus. Họ trích lời Desmond Byrne, người từng tự mình đến Honolulu làm việc với tư cách nhà phân tích hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế. Các đồng sở hữu DFS đoán rằng Byrne đã cố tình cung cấp thông tin cho các nhà báo bởi tiếc nuối về quyết định nghỉ việc tại công ty; nếu tiếp tục làm kế toán viên ở DFS, hẳn ông đã có thể thay thế vị trí của Alan Parker. Đầu năm đó, Byrne gửi một bức thư tới tờ Honolulu Star-Bulletin buộc tội DFS vì đã tranh thủ sự ủng hộ của chính phủ để có được các đặc quyền trong kinh doanh bằng cách tổ chức một giải đấu golf cho các nhà lập pháp Hawaii.

Forbes dự đoán rằng doanh thu của DFS trong năm trước lên tới 1,6 tỷ đô-la. Họ đã dự đoán gần đúng. Một bản ghi nhớ nội bộ bí mật do phòng Tài chính của DFS chuẩn bị cho bốn đồng chủ sở hữu đã khẳng định rằng trong vòng một thập kỷ trước năm 1988, doanh số hàng năm của họ đã tăng từ 278 triệu đô-la lên mức 1,543 tỷ. Đó là một mức tăng trưởng đáng kinh ngạc – gần 19% mỗi năm. Đây là điều chỉ có các cổ đông biết.

Cũng trong số báo đó, Feeney chú ý đến một bài xã luận của phó tổng biên tập Lawrence Minard, cho rằng muốn ra khỏi danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của Forbes thì chỉ có ba cách: (1) đánh mất tiền, (2) cho tài sản đi hoặc (3) chết. Năm ngày sau, Feeney viết thư cho Harvey Dale, với nét chữ nghiêng sang bên trái của mình, trong đó có đoạn: “Tôi đã quyết định như sau: Vì những lý do cá nhân và gia đình, tôi không muốn xuất hiện trong danh sách của Forbes vào năm sau. Điều kiện thứ nhất khó có thể xảy ra. Tất nhiên không ai mong điều kiện thứ ba xảy ra. Vậy chỉ còn điều kiện thứ hai. Điều tốt nhất có thể làm lúc này là “thuyết phục Forbes loại tôi ra khỏi danh sách trong tương lai và hợp tác với chúng ta nhằm đảm bảo tính bí mật của quỹ.”

Feeney đề nghị tổ chức một cuộc họp kín với phó chủ tịch của Forbes, James J. Dunn, để nói với ông ấy về nhu cầu được giữ bí mật của họ. Dale và Hannon đến công ty quan hệ công chúng Fleishman Hillard ở New York để nhờ tư vấn.

Phó chủ tịch cấp cao Peter McCue nói thẳng với họ rằng: “Không có bất cứ cách nào để Chuck âm thầm bước ra khỏi danh sách của Forbes.” Ông khuyên rằng thay vì làm thế, họ hãy chuẩn bị phát ngôn chính thức trước công chúng. “Chúng ta không thể để một nhà báo gán cho Chuck những động cơ xấu xa, vì vậy, chúng ta buộc phải bảo vệ những gì đáng được ca ngợi ngay từ đầu,” ông cảnh báo họ. Sau đó, họ sắp xếp một cuộc họp kín với Forbes. Trong vòng mấy tuần sau đó, Fleishman Hillard đưa ra nhiều đánh giá về triển vọng của việc đưa Chuck ra khỏi danh sách của Forbes.

Vào ngày 22 tháng Mười một, Peter McCue đưa ra một bản ghi nhớ dài 2.000 từ, trong đó nói rằng họ có thể cung cấp câu chuyện thật về tài sản ròng của Chuck cho một tạp chí đối thủ, tổ chức một cuộc họp báo để công khai sự tồn tại của Atlantic Foundation, hoặc tổ chức một cuộc họp kín giữa Chuck và Malcolm Forbes, chủ sở hữu tạp chí Forbes, ở đó Chuck sẽ cung cấp những bằng chứng về nhận định sai lầm – rằng Chuck là một tỷ phú – và Forbes phải đính chính bài viết đã đăng của mình. Ông bỏ qua lựa chọn đầu tiên, vì nó sẽ hạ nhục Forbes và tờ tạp chí này có thể trả miếng bằng cách bới lông tìm vết, vu vạ cho Chuck để chứng minh rằng họ đúng. “Rồi mèo lại vẫn hoàn mèo.” Một cuộc họp báo cũng sẽ gây tác động không kém phần tiêu cực tới Forbes “một cách nhanh chóng, rộng rãi và trên phạm vi toàn cầu”. Tuy nhiên, bằng cách tự mình đến gặp Malcolm Forbes, Chuck sẽ tặng ông một món quà Giáng sinh tuyệt vời, “cơ hội để có cảm giác thực sự tốt về bản thân bằng cách chỉ làm những việc đáng trân trọng”. Nếu ngài Forbes không hợp tác, họ có thể quay lại với lựa chọn 1 hoặc 2.

Feeney và Atlantic Foundation tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này ở Texas và Oklahoma, nơi ông mua một số khách sạn cao cấp mang thương hiệu “Medallion” do Sidney Willner, một cựu phó chủ tịch của Hilton và cộng sự của Feeney, Fred Eydt, điều hành. “Ngôi sao” của tập đoàn Medallion chính là khách sạn Seelbach Conor O’Clery Ÿ 213 với 332 phòng ở Louisville, Kentucky, từng xuất hiện trong danh tác The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại) của F. Scott Fitzgerald.

Là người Công giáo, Feeney cảm thấy rất tuyệt vời khi ông có đủ khả năng để giúp các nữ tu ở Pra-ha, Cộng hòa Séc ổn định lại cuộc sống. Tu viện của họ đã đổ nát sau những biến động chính trị nhưng họ không có đủ tiền để cải tạo.

Chuck Feeney và Jiri Vidim đã đặt ra một kế hoạch. General Atlantic trao tặng dòng tu 800.000 đô-la để cải tạo tu viện cũ thành một khách sạn 80 phòng với cái tên Cloister Inn, tầng trên cùng của khách sạn sẽ trở thành chỗ ở cho các nữ tu.

Các nữ tu rất vui sướng vì sự sắp xếp này và vô cùng cảm kích trước sự giúp đỡ hào phóng của Feeney. “Họ cầu nguyện cho ông mỗi ngày,” Jiri Vidim nói.

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!

Thông tin về cuốn sách:

Tên sách

Tỷ phú không tiền - Chuck Feeney đã bí mật cho đi của cải như thế nào

Tác giả

Conor O’Clery

Dịch giả

Xuân Chi

Giá

189000

Số trang

440

Nhà xuất bản

Công Thương

Khổ

15.5 x 24cm

Barcode

8935280907393  ISBN:  9786043113211

Trọng lượng

  gram

 

Sản phẩm liên quan

Sản phẩm mới nhất